Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, trẻ em tiếp cận với những sản phẩm công nghệ, là xu hướng không thể cưỡng lại. Vậy làm sao để bảo vệ chúng khỏi rủi ro từ thế giới mạng? Còn nếu không cho chúng tiếp cận với những phương tiện hiện đại đó, thì trẻ dễ trở nên lạc hậu và thua kém bạn bè, ở một số kỹ năng nhất định? Đây là vấn đề cấp thiết mà các bậc phụ huynh cần quan tâm.
Theo hai nhà nghiên cứu Rosen và Rowan, thì việc sử dụng quá mức các mạng xã hội như Facebook, có thể dẫn đến tình trạng trẻ em thiếu sự đồng cảm và làm gia tăng tính tự kỷ bản thân, mắc các vấn đề về mặt tâm lý, cùng nhiều bệnh thần kinh đáng ngại khác…Ông Rosen nói “ Bản thân nền tảng công nghệ không có lỗi, nhưng cách mà chúng ta tương tác với nó mới có lỗi. Thay vì gặp mặt trực tiếp và nói chuyện, bạn có thể gõ vài dòng chữ lên màn hình rồi gửi chúng đi, trong khi lại không biết được người ở đầu dây bên kia đang có cảm xúc như thế nào, buồn, vui, cảm động hay thậm chí có đang khóc lóc hay không”
Trong khi đó, thanh thiếu niên và người trẻ sử dụng thường xuyên Facebook, có xu hướng biểu lộ sự mất năng lực hành vi tâm lý, như giận dữ, lo lắng, cứng đầu, chống đối xã hội và tìm đến đồ uống có cồn. Đây cũng là đối tượng nhiễm chứng “thần tượng cái tôi” thông qua việc thường xuyên cập nhật thông tin về bản thân lên Facebook.Trẻ em, trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên thường tiếp cận và sử dụng Internet, game điện tử cùng các ứng dụng công nghệ cũng dễ bị mắc chứng đau dạ dày, khó ngủ, bồn chồn và trầm cảm, nhóm này cũng hay trốn học.
Nhóm học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, vốn thường lén truy cập Facebook trong giờ học, có thành tích học tập tồi hơn. Rosen và nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều học sinh và sinh viên chỉ tập trung nghe giảng được 2-3 phút rồi lại hào hứng với đồ chơi công nghệ, chủ yếu là tin nhắn SMS, lướt web và mạng xã hội…Ngoài ra, nghiên cứu của tiến sĩ Rosen cũng cho thấy một thiếu niên gửi đi khoảng 2.000 tin nhắn SMS/tháng. Đây là lượng xử lý thông tin cực lớn có liên quan mật thiết đến những rắc rối trong giấc ngủ, khả năng tập trung cũng như mệt mỏi.
Về việc, có nhiều phụ huynh tìm cách kiểm soát mức độ tiếp cận truyền thông xã hội của con em, bằng các loại phần mềm giám sát, tiến sĩ Rosen cho rằng điều đó là không cần thiết. “Nếu bạn cảm thấy phải dùng đến một phần mềm vi tính để bí mật theo dõi hành vi của con em trên mạng thì chỉ phí thời gian vì chúng đều sẽ có cách vượt qua được. Thay vào đó, hãy hướng dẫn con trẻ cách sử dụng công nghệ sao cho an toàn và củng cố lòng tin từ hai phía, để khi những tình huống không hay xảy ra. Việc này cần được tiến hành một cách thường xuyên và dựa trên cơ sở lòng tin. Chỉ có như vậy thì khi có bất kì sự cố nào xảy ra, chúng mới có thể nói cho bạn biết”.
Mặc dù vậy, không phải tất cả ảnh hưởng của Facebook đều có xu hướng tiêu cực. Nghiên cứu của tiến sĩ Rosen, cũng chỉ ra những điểm tích cực của Facebook. Chẳng hạn, đối tượng người trẻ thường xuyên dùng Facebook có khả năng tốt hơn trong việc kêu gọi “lòng trắc ẩn” cho cộng đồng online. Ngoài ra, những thiếu niên này vốn sống hướng nội có khả năng học được nhiều kỹ năng xã hội quý giá mà an toàn do đã có màn hình máy tính che chở, việc thường xuyên sử dụng Facebook sẽ giúp phát triển sự đồng cảm ở trẻ vị thành niên. Các thanh thiếu niên sống nội tâm có thể học được nhiều kỹ năng sống, kỹ năng xã hội. Ngoài ra, mạng xã hội cũng giúp các giáo viên kết nối với sinh viên của mình một cách dễ dàng hơn.
|