Trang chủThông tinTin tức
Làm phim chất lượng cao, dung lượng thấp
Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng với kinh nghiệm chọn độ phân giải trước khi quay, thủ thuật quay phim màn hình, lưu phim với độ phân giải thích hợp thì không khó để có một đoạn phim chất lượng cao, dung lượng thấp.

Quay với độ phân giải phù hợp
Hầu hết máy ảnh có hỗ trợ quay phim, máy quay chuyên dụng hiện nay đều cho phép quay phim với độ phân giải ít nhất là HD, cao hơn là FullHD, còn SD có chất lượng thấp hơn cả HD và FullHD. Theo thói quen, hầu hết người dùng đều thích chọn quay ở độ phân giải cao nhất có thể, điều này sẽ tạo ra một đoạn phim có dung lượng cực lớn, tất nhiên chất lượng cũng đạt mức tốt nhất. Tuy nhiên, nếu xác định trước mục đích quay phim, bạn có thể tùy chỉnh lại độ phân giải ở mức thấp hơn để giảm bớt dung lượng, cũng là cách để tiết kiệm bộ nhớ giúp quay phim được dài hơn.
Chẳng hạn, bạn chỉ đơn giản quay phim cho nhu cầu tạo video tải lên Facebook, YouTube… với độ phân giải 640x320 thì không cần thiết phải chọn quay HD hay FullHD, mà hãy chọn chế độ SD là đủ. Nói vậy không có nghĩa là việc quay ở độ phân giải cao không thể cho ra thành phẩm dung lượng nhỏ, bởi vì qua một số thao tác “chế biến” mọi chuyện đều có thể xảy ra. Song để tránh mất thời gian biên tập và tạo thành phẩm, bạn chỉ nên quay phim độ phân giải rộng khi thật sự cần thiết.

Cắt phim cho gọn gàng

Nếu không cần bổ sung thêm hiệu ứng cho đoạn phim mà chỉ cần loại bỏ những đoạn không vừa ý, bạn có thể sử dụng phần mềm Avidemux (www.avidemux-mswin.sourceforge.net) cho đơn giản. Đầu tiên, bạn vào File > Open… (hay nhấn phím tắt là Ctrl + O), rồi tìm mở tập tin video cần cắt. Lưu ý rằng, trước khi mở tập tin này, bạn cần chọn đúng định dạng của tập tin cần mở ở ô Format trên giao diện chính. Vì nếu chọn định dạng khác biệt so với định dạng của phim gốc, chương trình sẽ phải tốn thời gian để mã hóa lại video cho phù hợp với định dạng đã chọn. Sau đó, bạn nhấn Play (phím tắt: P) để xem thử, đến thời điểm cần cắt thì nhấn Pause (phím tắt: P) để tạm dừng, rồi nhấn phím [ để thiết lập làm điểm bắt đầu.
Tương tự, tiếp tục nhấn Play để xem tiếp, đến thời điểm cần cắt thì nhấn Pause để tạm dừng, rồi nhấn phím ] để thiết lập làm điểm kết thúc. Cuối cùng, vào File > chọn Save > Save Video… (Ctrl + S) để lưu lại.

 

Chọn phần mềm biên tập tốt

Nếu muốn thực hiện đầy đủ tính năng cắt, ghép, biên tập… thì bạn cần phải lựa chọn một phần mềm đồ sộ hơn. Sau khi quay được đoạn phim, bạn có thể đưa vào máy tính thông qua phần mềm chuyên dụng đi kèm đĩa driver của thiết bị, hoặc nhờ một phần mềm của hãng thứ ba để tiếp tục biên tập. Bạn nên lựa chọn những phần mềm có tiếng cho việc này, như AVS Video Editor (www.avs4you.com), Proshow Gold (www.photodex.com), Adobe Premiere (www.adobe.com), Avid Liquid (www.avid.com)… Nếu phần mềm không tốt sẽ khiến chất lượng phim bị giảm đi đáng kể sau khi đưa vào trình biên tập.
Có nhiều phần mềm hỗ trợ tính năng này, song bài viết sẽ hướng dẫn trên phần mềm AVS Video Editor vì nhỏ gọn và đa tính năng. Đầu tiên, bạn nhấn vào Import Media Files > tìm chọn những tập tin cần đưa vào thư viện làm phim > Open. Lúc này, bạn sẽ được đưa đến mục Media Library với thẻ mặc định được mở là All. Tại đây, bạn có thể thêm vào mọi định dạng dữ liệu video, âm thanh và hình ảnh mà chương trình hỗ trợ. Bạn thêm video đã quay được vào trình biên tập, bằng cách nhấn vào Import > lựa chọn dữ liệu > Open. Ngoài ra, có một cách khác để thêm dữ liệu và dễ quản lí hơn, đó là bạn di chuyển đến các thẻ Video, rồi nhấn vào Click here to add files > tìm chọn video > Open. Đối với cách thứ nhất, đoạn phim sẽ được tự động đưa vào timeline biên tập của AVS Video Editor. Còn với dữ liệu thêm vào bằng cách thứ hai, bạn cần nhấn chuột phải vào một tập tin đã chọn > Add to Main Video.

 

Tua nhanh những đoạn rề rà

Sau khi thêm video vào danh sách làm việc, bạn có thể cắt xén hay thay đổi tốc độ dễ dàng bằng công cụ Trim và Speed mà AVS Video Editor cung cấp sẵn. Với công cụ Trim, bạn đánh dấu tạo điểm đầu (Mark in, phím tắt: Ctrl + [) và điểm kết thúc (Mark out, phím tắt Ctrl + ]) > nhấn OK. Còn với công cụ Speed, bạn nhập hệ số nhân so với tốc độ hiện tại vào ô Speed, giới hạn từ 0.1x đến 12x (một số phần mềm đo thông số này theo %) > nhấn OK.

 

Sử dụng hiệu ứng sống động   

Thêm âm thanh nền

Cũng tương tự khi thêm video vào thư viện dữ liệu, sau khi thêm âm thanh vào tại thẻ Audio > bạn chọn Add to Audio Mix để chèn vào xuyên suốt độ dài của video. Tuy nhiên, trước đó bạn phải xóa âm thanh do máy quay ghi lại được (nếu đó chỉ là các tạp âm). AVS Video Editor cho phép linh hoạt chọn những khoảng thời gian nào cần chèn âm thanh, những đoạn nào giữ nguyên âm gốc trong video nên bạn có thể xử lý theo ý thích. Thông qua thao tác này, bạn có thể giúp đoạn phim giảm bớt dung lượng nếu bỏ hẳn âm thanh ở một 
số đoạn, hoặc thay thế âm thanh trong phim bằng một vài tập tin nhạc dung lượng nhẹ, chất lượng nghe được.

Thiết lập hiệu ứng chuyển cảnh
Nếu có những đoạn video độc lập và muốn nối cùng nhau, bạn hãy thêm tất cả vào timeline của trình biên tập. Nhìn phía dưới giao diện, sẽ thấy giữa những đoạn video đó có một khoảng trống hình mũi tên, đó chính là nơi hỗ trợ bạn thiết lập hiệu ứng chuyển cảnh. Để thiết lập hiệu ứng chuyển cảnh ở thời điểm nào, bạn nhấn chuột trái vào nút mũi tên ở giữa hai đoạn video. Sau đó, bạn chọn hiệu ứng cần dùng từ danh sách các hiệu ứng phía trên giao diện, ở đây có hơn 700 hiệu ứng khác nhau cho bạn lựa chọn. Khi đã xác định được hiệu ứng cần dùng, bạn nhấn chuột phải vào hiệu ứng đó > chọn Add or Replace Transition.

Thiết lập hiệu ứng hiển thị
Trong quá trình hiển thị mỗi video, bạn có thể tăng sự hấp dẫn cho chúng bằng cách chọn hiệu ứng hiển thị trong mục Video Effects. Thao tác thiết lập tại đây khá đơn giản, bạn chỉ việc chọn video cần áp dụng hiệu ứng. Sau đó, nhấn chuột phải vào hiệu ứng muốn sử dụng ở phía trên danh mục Video Effects > chọn Add or Replace Video Effect.

Chèn chữ viết độc đáo
Mục Text cung cấp cho bạn 40 hiệu ứng chữ viết chèn vào phim rất bắt mắt. Trước tiên, bạn nhấn chuột phải vào hiệu ứng chữ viết cần chèn > chọn Add or Replace Text. Sau đó, nhấn chuột phải vào thanh Text ở phía dưới giao diện > Edit Text. Trên cửa sổ hiện ra, bạn thay đổi chữ Text thành nội dung tùy ý mà mình muốn xuất hiện trên màn hình. Phần mềm cung cấp đầy đủ các công cụ định dạng, gồm lựa chọn font chữ, màu sắc, hiệu ứng xuất hiện chữ… Xong, nhấn OK để xác nhận và trở lại giao diện chính.

 

Mẹo: Nếu số lượng các đoạn video quá nhiều và lười lựa chọn hiệu ứng chuyển cảnh giữa chúng, bạn có thể thiết lập một hiệu ứng duy nhất cho mọi chỗ chuyển cảnh hoặc phó mặc cho AVS Video Editor tự lựa chọn. Bạn thiết lập một hiệu ứng xuyên suốt đoạn phim bằng cách nhấn chuột phải vào hiệu ứng cần dùng > chọn Apply Transition to All. Còn để nhờ AVS Video Editor chọn hiệu ứng một cách ngẫu nhiên, bạn nhấn chuột phải vào một hiệu ứng bất kì > chọn Apply Random Transitions.

 

Lưu và chia sẻ phim với độ phân giải bằng hoặc nhỏ hơn bản gốc

Có một thực tế dễ thấy, đó là việc người dùng thích lưu phim ở độ phân giải cao sau khi biên tập, cao hơn cả độ phân giải của đoạn phim gốc. Điều này là không cần thiết, tốn thời gian, chưa kể sẽ làm tăng dung lượng phim ngoài ý muốn, mà chất lượng vẫn chỉ có vậy. Do đó, sau khi đưa đoạn phim quay được vào biên tập bằng một phần mềm, bạn chỉ nên lưu lại ở độ phân giải bằng hoặc thấp hơn đoạn gốc. Ngoài ra, bạn có thể ưu tiên chọn định dạng *.flv thay vì *.avi để giảm bớt dung lượng, còn chất lượng thì khó nhận thấy khác biệt khi xem trên thiết bị di động.
Bên cạnh đó, hầu hết các chương trình biên tập phim còn cung cấp tính năng chia sẻ phim lên YouTube, Facebook… Nếu sử dụng tính năng này, chương trình sẽ tự động thiết lập những thông số thích hợp nhất để cho ra tác phẩm chất lượng cao, dung lượng nhỏ hơn, giúp rút ngắn thời gian chia sẻ video lên mạng.

 

Thủ thuật quay phim màn hình để giảm dung lượng phim

 

Đây là một thủ thuật đơn giản, nhưng hiệu quả. Theo đó, nếu đang có một đoạn phim chất lượng rất tốt kể cả khi trình chiếu toàn màn hình, nhưng dung lượng lại quá nặng, và bạn muốn giảm dung lượng cho đoạn phim để dễ dàng lưu trữ, nhưng yêu cầu chất lượng vẫn còn tốt khi xem ở chế độ toàn màn hình, thì hãy thử dùng thủ thuật quay phim màn hình.

Bạn có thể sử dụng phần mềm Camtasia Studio 8 (www.teachsmith.com). Với cách này, bạn chỉ việc mở phim ở chế độ toàn màn hình, rồi dùng phần mềm Camtasia Studio 8 để quay lại. Bạn lưu ý thiết lập cho phần mềm quay phim Full Screen (toàn màn hình) trước khi nhấn nút Record (bắt đầu quay). Tuy nhiên, âm thanh mà Camtasia Studio 8 ghi lại được chính là âm thanh phát ra từ loa máy tính nên chất lượng có thể không bằng âm thanh gốc trong đoạn phim. Bạn có thể hạn chế suy giảm chất lượng âm thanh, bằng cách thực hiện việc này trong một căn phòng kín.

Đoạn phim phát xong, bạn nhấn phím F10, chọn Save and Edit. Sau đó nhấn Produce and share trên giao diện hiện ra để lưu lại. Ở bước lưu thành phẩm này, bạn lưu ý chọn độ phân giải bằng đoạn phim gốc và chọn dùng công nghệ nén phim độc quyền của phần mềm Camtasia Studio 8. Để dùng được tính năng nén phim, bạn cần chọn định dạng AVI, rồi nhấn Video compression, chọn TechSmith Screen Record Codec 2 trong mục Compressor. Cuối cùng, bạn có thể xem lại đoạn phim vừa lưu được để kiểm tra chất lượng.

 

 


Tiêu đề Ngày
Hoàn thành dự án The Pied Piper  17/05/2011
 
Trang: (43/43), Tổng số mục: 211