Microsoft đã chứng tỏ họ đích thực là một thợ săn lão luyện khi thâu tóm thành công bộ phận sản xuất thiết bị di động của Nokia với giá 7,2 tỷ USD.
Thương vụ Microsoft thâu tóm Nokia không gây bất ngờ lớn cho giới công nghệ, bởi từ lâu việc gã khổng lồ ngành phần mềm thèm muốn bộ phận sản xuất di động của Nokia là có thật. Vấn đề là ở chỗ, Microsoft đã chứng tỏ mình là một đạo diễn tài ba, khi “làm gỏi” con mồi Nokia (thực chất là bộ phận sản xuất thiết bị di động) đúng vào lúc công ty này có dấu hiệu khởi sắc nhất định, trong khi giá mua lại thì vẫn đặc biệt thấp.
Stephen Elop - “gián điệp nằm vùng”?
Từ lâu, giới phân tích đã nghi ngờ về việc Microsoft “cài” gián điệp vào Nokia. Mục đích của vị gián điệp này không gì khác là “dìm” Nokia xuống vũng bùn của sự khủng hoảng nhưng vẫn không mất đi những gì tinh túy nhất, phục vụ cho việc thâu tóm nói trên.
|
Cựu CEO Stephen Elop bị coi là "gián điệp" cho Microsoft. |
Nếu những tin đồn đó đúng sự thật, Elop chính là một “gián điệp” đại tài. Ông này bắt đầu đảm nhiệm cương vị CEO của Nokia từ ngày 21/9/2010, cách đây khoảng 3 năm. Tại thời điểm đó, ông chính là vị CEO đầu tiên của Nokia không mang quốc tịch Phần Lan (Elop là người Canada). Nokia từng tuyên bố họ đã phải chi 6 triệu USD tiền phí “lót tay” để “bồi thường cho phần thu nhập bị tổn thất của Elop ở vị trí cũ”, cùng mức lương 1,4 triệu USD/năm.
Ngay sau khi gia nhập công ty, ông này đã gửi đến các nhân viên một bản memo (ghi nhớ) mang tên “con tàu cháy” kinh điển. Bản ghi nhớ này đề cập đến việc Nokia đang đứng trên bờ vực của sự diệt vong nếu vẫn tiếp tục gắn bó với “con tàu cháy” Symbian, và kêu gọi Nokia cần hành động ngay. Các phương tiện truyền thông khi đó gọi bản ghi nhớ nói trên là một lời cảnh tỉnh, còn BBC của Anh thì mô tả nó như là “một trong những tài liệu nội bộ nổi tiếng nhất, hấp dẫn nhất đến từ một công ty lớn”.
Tháng 2/2011, Elop chính thức tuyên bố khai tử nền tảng Symbian để bắt tay với Microsoft, sử dụng hệ điều hành Windows Phone. Lý giải cho hành động chọn Windows Phone thay vì Android, Elop chỉ dùng một từ duy nhất, đó là “sự khác biệt”. Theo ông, Nokia sẽ không thể tạo ra sự khác biệt bởi họ đã chậm chân trên nền tảng Android.
|
Nokia khi đó bị coi là một con tàu cháy. |
Giai đoạn đen tối của Nokia
Tháng 11/2011, Nokia cho ra mắt chiếc smartphone đầu tiên chạy Windows Phone là Lumia 800, tiếp sau đó là model cao cấp nhất - chiếc Lumia 900. Windows Phone 7 khi đó vẫn còn rất nghèo nàn, thậm chí không hỗ trợ chip lõi kép, nhưng Nokia cũng đã kịp tạo được ấn tượng nhất định.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, người dùng Lumia lập tức ngã ngửa, bởi Microsoft giới thiệu nền tảng Windows Phone 8 và không hỗ trợ các sản phẩm đời trước. Đến lúc này, người ta chợt nhận ra, Nokia đã chẳng khác gì “cá nằm trên thớt” và động thái “xúc phạm người dùng” của Microsoft chẳng qua là để “dìm” Nokia lún sâu vào khủng hoảng, nhằm mua lại công ty này với mức giá thấp nhất có thể.
Trong giai đoạn 2011 - 2012, Nokia lần lượt sa thải hơn 20.000 nhân viên để tái cơ cấu, bán thương hiệu điện thoại siêu sang Vertu, thậm chí bán luôn trụ sở chính tại Phần Lan, sau đó lập tức thuê lại để tiết kiệm tiền mặt. Nokia liên tiếp báo lỗ trong các bản báo cáo tài chính hàng quý, trung bình lên đến cả tỷ USD mỗi quý. Cho đến quý I năm nay, khi Nokia đã làm ăn khởi sắc hơn hẳn, hãng này vẫn lỗ khoảng 150 triệu euro.
Bị thâu tóm
Đỉnh điểm của sự bất mãn từ các cổ đông của Nokia đến từ một cuộc họp Hội đồng quản trị hồi tháng 5. Khi đó, các cổ đông của Nokia đã thẳng thắn phê phán Elop đã chọn sai đường và Nokia đang “trên đường xuống địa ngục”. Tất nhiên, câu trả lời các cổ đông nhận được từ Elop là họ đã không còn đường để quay lại.
|
Sẽ không còn smartphone mang thương hiệu Nokia. |
Tính từ thời điểm Elop lên đảm nhiệm cương vị CEO của Nokia cho đến tháng 6/2013, cổ phiếu của hãng này đã giảm 85%, thị phần điện thoại giảm từ 23,4% xuống còn 14,8%, trong khi thị phần smartphone cũng giảm từ 11,7% xuống còn 8,8%.
Ngay sau đó, đã có những tin đồn về việc Microsoft đề nghị về một vụ chuyển nhượng bộ phận sản xuất di động của Nokia nhưng bị từ chối. Tuy nhiên, có vẻ như mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa trong lần đề nghị mới này, và hiện tại, bộ phận sản xuất di động của Nokia đã thuộc về Microsoft với giá 7,2 tỷ USD.
Con số này tất nhiên thấp hơn nhiều so với mức 12 tỷ USD Google bỏ ra mua Motorola trong khi xét về tiềm năng và số lượng bản quyền sáng chế, Nokia đều được đánh giá cao hơn hẳn so với đối thủ.
Một số thông tin đáng chú ý trong thương vụ Microsoft mua lại bộ phận sản xuất di động của Nokia:
- Microsoft có quyền sở hữu bộ phận sản xuất thiết bị và dịch vụ của Nokia, bao gồm bộ phận sản xuất điện thoại phổ thông, thiết bị thông minh, đội ngũ thiết kế sản phẩm và các bộ phận hỗ trợ.
- Tổng cộng có khoảng 32.000 nhân viên Nokia sẽ được dịch chuyển sang Microsoft, chi phí ước tính cho việc dịch chuyển này (cả phí mua bán) có thể lên đến 14,9 tỷ euro - bằng 50% doanh thu của Nokia trong toàn bộ năm 2012.
- Nokia cho phép Microsoft sử dụng một số bằng sáng chế (không có trong danh sách mua) của Nokia trong vòng 10 năm.
- Riêng dịch vụ bản đồ HERE, Microsoft phải trả tiền bản quyền trong vòng 4 năm tới. Như vậy, Microsoft sẽ là đối tác thứ 3 sử dụng dịch vụ bản đồ này của Nokia.
- Microsoft được phép sử dụng thương hiệu Nokia trên các dòng điện thoại phổ thông trong vòng 10 năm tới. Riêng thương hiệu Nokia vẫn thuộc quyền sở hữu của công ty Phần Lan.
|