Việc ông lớn Google đang là bá chủ lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến là một điều chẳng thể bàn cãi và để đợi cho đến khi có một dịch vụ xuất chúng nào đó khác có thể hạ bệ ông lớn này chắc hẳn sẽ còn rất lâu. Google là công cụ tìm kiếm phổ thông tốt nhất, thế nhưng, nếu bạn có một số nhu cầu đặc biệt, tìm cho mình một dịch vụ được phát triển riêng cho một thị trường tìm kiếm “ngách” có thể mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Dưới đây là 8 cỗ máy tìm kiếm khá đặc biệt ít được biết đến.
1.
Attrakt
Attrakt mang đến một mô hình tìm kiếm thông minh và mang tính xã hội cao.
Về cơ bản, Attrakt là cỗ máy tìm kiếm hoạt động trên hai cấp độ. Cấp độ đầu tiên, nó cho phép người dùng tìm kiếm thông tin web, thu thập những đường link mình quan tâm và xếp chúng vào một vị trí nhất định. Ở cấp độ tiếp theo, Attrakt thu hẹp phạm vi tìm kiếm bằng cách chỉ thực hiện tìm kiếm trong các link người dùng quan tâm. Từ đây, Attrakt có thể được hiểu là một cỗ máy tìm kiếm mang tính tùy biến cao cho mỗi cá nhân. Nó tương tự như cách chúng ta “bookmark” các trang web tuy nhiên với nhiều tính năng thú vị hơn. Đặc biệt, cỗ máy tìm kiếm này còn mang tính cộng đồng cao khi người dùng của nó có thể “theo đuôi” (follow), tương tác nhanh chóng với người dùng khác để trao đổi những đường link thú vị.
Được biết, đây là dự án của một công ty Italia có tên Attrakt S.r.l. được thành lập tháng Tư năm 2011.
2.
CompletePlanet
Công cụ tìm kiếm “đặc trị” cho thế giới Deep Web.
CompletePlanet là công cụ tìm kiếm các dữ liệu mà Google chưa thể “với” tới (Deep Web, hay còn gọi là Invisible Web). Như các bạn có thể thấy trên ảnh chụp màn hình, giao diện người dùng của cỗ máy tìm kiếm này khá trực quan với các chủ đề được phân chia rõ ràng và cụ thể. Nhà phát triển công cụ này tuyên bố hiện nay họ đã có trong tay cơ sở dữ liệu của hơn 70.000 trong tổng số 200.000 trang Deep Web đang hoạt động.
Giải thích về vấn đề tại sao các công cụ tìm kiếm truyền thống không thể tiếp cận dữ liệu Deep Web là do các công cụ tìm kiếm này quét thông tin theo cách tạo ra một mạng lưới giữa các trang web “nổi”. Để có thể được các công cụ tìm kiếm nhận ra, các trang web “nổi” này cần được liên kết với các trang khác. Trong khi đó, nếu muốn truy nhập dữ liệu web “chìm”, chúng ta cần sử dụng các lệnh tìm kiếm trực tiếp.
3.
Quixey
Tìm kiếm ứng dụng phù hợp với nhu cầu nhanh chóng cùng Quixey.
Thuật toán đặc biệt mà công cụ tìm kiếm Quixey đang phát triển có thể giúp bạn tìm ra các ứng dụng mình mong muốn chỉ trong tích tắc. Công cụ tìm kiếm này dẫn nguồn dữ liệu từ một số lượng lớn các trang review ứng dụng, blog, các trang mạng xã hội cùng các nguồn truyền thống. Được biết, Quixey nắm trong tay một sự hậu thuẫn khá vững chắc từ Eric Schmidt (chủ tịch điều hành Google) nên việc nó trở nên phổ biến trong tương lai gần là điều hoàn toàn có thể.
4.
Shodan
Shodan là một công cụ tìm kiếm có tính chuyên môn cao.
Shodan không phải một cỗ máy tìm kiếm cho tất cả mọi người và hầu hết người dùng không liên quan sẽ phần nào cảm thấy choáng váng vì tính chuyên môn cao của nó khi thử truy cập cỗ máy tìm kiếm này. Cụ thể, Shodan được tạo ra để “đặc trị” tìm kiếm thông tin về máy tính và các thiết bị ngoại vi được kết nối với máy tính.
Với một thiết bị máy tính được kết nối với Internet mà không có các biện pháp an ninh phù hợp, Shodan có thể dễ dàng tìm ra vị trí địa lý của nó. Thậm chí trong một số trường hợp nhất định, công cụ này còn có khả năng phát hiện ra những yếu điểm của hệ thống máy tính. Dẫu vậy, nhìn ở khía cạnh tích cực, Shodan hoàn toàn có thể là một người bạn đồng hành đắc lực của các chuyên gia an ninh mạng. Sự ra đời của Shodan cũng gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh người dùng nên có các biện pháp thiết lập an ninh mạng hợp lý khi tham gia Internet.
5.
Find Zebra
“Zebra” trong giới y học không có nghĩa là ngựa vằn mà mang nghĩa ám chỉ "một sự chẩn đoán đầy ngạc nhiên".
FindZebra là công cụ tìm kiếm được chuyên môn hóa cho việc chẩn đoán một số căn bệnh hiếm gặp. Được biết, hiện nay công cụ tìm kiếm này đã xây dựng được cơ sở dữ liệu gồm trên 31.000 tài liệu y học từ 10 nguồn có uy tín trên thế giới. FindZebra được đánh giá cao vì sở hữu giao diện trực quan, dễ sử dụng và có thể được truy cập trơn tru trên cả smartphone và tablet.
6.
Find The Best
Trợ thủ đắt lực cho mỗi lần shopping.
Google cho chúng ta rất nhiều thông tin để tham khảo, tuy nhiên, nó không hẳn là một công cụ tối ưu để so sánh hai hoặc nhiều nhóm thông tin từ đó chọn ra phương án tốt nhất. Đây là lúc bạn nên thử qua công cụ Find The Best, đặc biệt là khi đưa ra các quyết định mua sắm. Find The Best có một cơ sở dữ liệu bán lẻ được thu thập và sắp xếp tỉ mỉ thành 9 nhóm riêng biệt. Khi bạn tìm kiếm một sản phẩm, công cụ tìm kiếm này sẽ đưa ra những kết quả mang tính trực quan cao cùng các bộ lọc giúp thu hẹp phạm vi cân nhắc mua sắm của người dùng với những sản phẩm và thương hiệu khác nhau.
7.
Ohmygodlol
Không còn lo lắng và buồn chán cùng Ohmygodlol.
Sau một ngày làm việc vất vả, Ohmygodlol sẽ là một sự lựa chọn đáng thử nếu bạn đang cần một thứ gì đó có thể làm mình bật cười. Theo đó, đây là một công cụ tìm kiếm được đánh giá cao nhất trong phạm trù tìm kiếm... các hình ảnh gây cười. Tất nhiên, Google cũng có thể làm được điều này với một vài sự kết hợp giữa các từ khóa, thế nhưng, mọi thứ đơn giản hơn nhiều khi thực hiện với Ohmygodlol.
8.
Wacko Search
Tìm kiếm theo cách của... vịt
Một trang tìm kiếm khá vui nhộn theo phong cách của... vịt. Nếu bạn đã từng có một thắc mắc kì lạ về việc vịt tìm kiếm thông tin như thế nào thì xin mời hãy thử công cụ tìm kiếm này. Với Wacko Search, khi bạn gõ một từ khóa bất kì, trang tìm kiếm sẽ mang lại cho bạn những kết quả theo quy luật ngẫu nhiên và... sai lè bởi những chú vịt đã khẳng định “Đúng suốt ngày chẳng vui gì cả!”. Bạn có thể xem thêm
phần giới thiệu của Wacko Search để hiểu rõ thêm về “lịch sử ra đời” thú vị của trang web này.