Trang chủThông tinBlog
Bố mẹ mải bắt trăn, bỏ quên 2 con giữa rừng thẳm

Sự việc đã xảy ra từ sáng ngày 3/1, vợ chồng anh A Phan, chị Y Công (người làng Đắc Lấp, xã Đắc Psi, Đắc Hà, Kon Tum) đưa 2 con nhỏ là cháu Y Phối (9 tuổi) và A Phú Cần (3 tuổi) vào rừng lấy đót (bông cây chít) để bán.

Vào đến rừng, vợ chồng anh A Phan phát hiện một con trăn lớn. Hai vợ chồng đã vây bắt và vội vàng đem về thị trấn bán. Mừng rỡ vì bỗng nhiên được một khoản tiền lớn, 2 vợ chồng cùng mấy người tham gia bắt trăn đã uống rượu ăn mừng.

Tỉnh rượu, vợ chồng A Phan mới sực nhớ 2 đứa con mình vẫn còn ở trong rừng. Hốt hoảng quay lại lều, nơi khi sáng 2 vợ chồng để các con ở đó thì đã không thấy chúng đâu.

A Phan bên ảnh các con mình

Sau nhiều ngày tìm kiếm, đến giờ tung tích 2 đứa trẻ vẫn bặt vô âm tín. Không tìm thấy 2 đứa trẻ, nhiều người đã nghĩ, bởi bắt nhầm trăn thiêng nên vợ chồng A Phan đã bị trăn thần trừng phạt. Những lời đồn thổi ấy khiến gia đình anh A Phan và nhiều người ở làng khiếp sợ.

Nghèo đói nên phải luồn rừng

Chúng tôi tìm đến nhà anh A Phan và chị Y Công sau 10 ngày 2 đứa con của anh chị mất tích. Đắc Lấp là một ngôi làng đa phần là người Xê Đăng sinh sống. Đây là một ngôi làng cách xa trung tâm huyện, cuộc sống còn nhiều cam khó. Ngoài trồng mì (sắn) thì người dân nơi đây chủ yếu sống nhờ rừng. Họ lên rừng săn bắn, hái lượm, mùa nào thức ấy. Nhà vợ chồng A Phan ở giữa làng, xây tạm bợ, lợp vội bằng mấy tấm tôn.

Gặp chúng tôi, anh A Phan rầu rĩ kể, anh sinh năm 1979. Năm 2000, lấy Y Công, người cùng làng. Ở chốn thâm sơn này, sau mười mấy năm lập gia đình, vợ chồng A Phan đẻ sòn sòn, được cả thảy 6 đứa con.

Hàng ngày vẫn có nhiều người vào rừng tìm 2 cháu bé

A Phan bảo, bởi đông con nên cuộc sống gia đình bữa no bữa đói. Nương rẫy chỉ có 2 ha, nhưng đất xấu nên gia đình chỉ có thể trồng mì. Bởi lần ăn từng bữa nên nên ngày ngày, khi việc nương rẫy hòm hòm, vợ chồng anh lại dắt díu nhau lên rừng tìm đót để kiếm bữa cơm cho các con ăn qua ngày. Như củ khoai củ mì, các con anh cũng dặt dẹo lớn lên cùng những cam khó ấy.

Đứa con lớn năm nay đã 11 tuổi, đứa nhỏ nhất mới được 2 tháng tuổi. Những lúc đi rừng, anh đem những đứa nhỏ nhất về gửi bên ngoại. Những đứa lớn thì theo vợ chồng anh lên rừng. Tới nơi kiếm đót, vợ chồng anh để con tại những căn lều, lán canh nương ở gần đó. Vứt con ở đó, đến bữa thì chúng ăn cơm vợ chồng anh để sẵn. Đến chiều muộn, khi đã kiếm kha khá đót thì vợ chồng anh quay lại đón con cùng về.

Hôm ấy, ngày 3/1, như mọi ngày, vợ chồng anh cùng dậy sớm để vào rừng. Sau khi gửi mấy đứa con lớn tới trường, đứa nhỏ gửi về nhà ngoại, anh chị mang theo 2 đứa con vào rừng cùng mình.

A Phú Cần lúc 10 tháng tuổi

Hai cháu bé đó là là Y Phối (9 tuổi), con thứ 2 và đứa thứ 5 và cũng là con trai duy nhất của anh chị tên là A Phú Cần, chưa đầy 3 tuổi. “Khổ thân chúng quá, bởi con Y Phối bị tâm thần từ nhỏ không đi học được nên vợ chồng tôi phải đưa đi theo, chứ để nó ở nhà thì đâu nên nỗi. Nó bệnh tật thế, giờ lạc trong rừng thì không biết thế nào!” - A Phan ngậm ngùi.

Mừng chiến lợi phẩm, quên con trong rừng

Theo anh A Phan thì vợ chồng anh lấy đót ở cách lều đặt con chừng 2 cây số. Yên tâm đặt con ở đó, chuẩn bị sẵn đồ ăn trưa cho chúng xong, vợ chồng anh yên tâm tiến sâu vào rừng.

“Chừng 7h sáng, đang mải lấy đót thì mình đã giật thót mình khi thấy một con trăn to đang bò trên núi định chui vào hang. Thấy con trăn mình sợ lắm, nhưng nghĩ bắt chắc bán được nhiều tiền nên mình quên cả sợ, chạy theo túm được đuôi khi nó định bò vào hang. Nó vùng vẫy ghê lắm, kéo cả mình đi. Mình vừa cố lôi nó lại vừa hô hoán mọi người đang lấy đót quanh đó chạy lại tiếp sức” - anh A Phan kể.

Người dân đi tìm 2 cháu bé

Sau khi được sự trợ giúp của mọi người, con trăn lớn đó đã bị bắt, ngoan ngoãn nằm im trong chiếc lồng đan vội. Sợ sau một hồi quần thảo, sợ con vật chết, A Phan và mấy người tham gia vây bắt đó đã bàn nhau phải đem ngay “chiến lợi phẩm” ấy xuống đường cái bán. Ý kiến ấy được mọi người hưởng ứng tức thì. Vậy là, bỏ cả đám đót lấy dở, mấy người hấp tấp đưa con trăn đó xuống núi.

Con trăn được vợ chồng A Phan bán cho một người chuyên thu mua sắt vụn, được cả thảy 1,5 triệu đồng. Bởi có công phát hiện, vợ chồng A Phan được chia 500 nghìn, số còn lại chia đều cho những người tham gia vây bắt.

Tự nhiên có được một món tiền lớn, vợ chồng A Phan mừng lắm. Những người ăn ké lộc rừng kia cũng vậy. Bởi sự mừng vui đó nên mọi người đã thống nhất cùng góp mỗi người 50 nghìn đồng để mua rượu, mua đồ về nhậu chia vui.

Vừa tìm con, A Phan vẫn phải lấy đót để kiếm sống

Những chén rượu được nâng lên tới tấp. Những chén rượu khiến vợ chồng A Phan mềm môi. Và, những chén rượu đó khiến cả 2 người quên luôn là 2 đứa con nhỏ dại của mình vẫn còn đang ở trong rừng. Cuộc rượu tàn cũng là lúc vợ chồng A Phan say bí tỉ.

Đến chừng 3h chiều, tỉnh rượu dậy, thấy nhà vắng trẻ, A Phan mới giật mình nhớ ra là mình đã để quên 2 con ở trong rừng. Hốt hoảng, 2 vợ chồng A Phan chạy bổ vào rừng, nơi cách nhà chừng 6 cây số. Thế nhưng, tới nơi thì chẳng thấy 2 đứa trẻ đâu. Trong lều, nồi cơm vợ chồng A Phan để cho con mình ăn trưa còn lại rất ít. Chai nước cũng được uống hết một nửa.

Anh A Phan kể, ngay khi không thấy con, vợ chồng anh và những người tham gia bữa rượu mừng đó đã đổ xô đi tìm. Tuy nhiên, luồn rừng cả đêm hôm đó mà chẳng thấy 2 đứa nhỏ đâu.

“Đêm ấy, mình và vợ cứ vào tận rừng sâu gào khóc gọi tên con mà không thấy nó trả lời. Vì chỗ chòi của mình chỉ có rừng, không có sông, cũng không có suối nên nó không thể ngã xuống nước được” - A Phan kể.

Cũng theo A Phan khu rừng vợ chồng anh lấy đót không còn nhiều thú dữ nên khả năng con anh bị thú dữ bắt cũng khó xảy ra.

Những đồn thổi rợn người

Đau đớn vì bỗng dưng đánh mất 2 con, vợ chồng A Phan suy sụp, người sọp hẳn. Vì không có tiền, lại sợ dân làng lên án vì con trăn mà lỡ để mất 2 đứa con nên anh chị không dám trình báo với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin trên, chính quyền xã Đắc Psi đã huy động cán bộ, lực lượng công an, dân quân và nhân dân các thôn làng lân cận tổng cộng khoảng 300 người liên tục tìm kiếm. Tuy nhiên, đã gần nửa tháng trôi qua, cả khu rừng đó đã được lật tung nhưng tung tích 2 đứa trẻ vẫn chìm đắm trong sự thâm u của đại ngàn.

Anh A Phan rầu rầu nói: “Mất con, vợ và mình cùng ốm, chả muốn làm gì nữa. Tuy nhiên, nhà lại còn 4 cháu nhỏ nên dù đau đớn nhưng hàng ngày mình vẫn phải vừa lên rừng hái đót, vừa nuôi hi vọng tìm thấy con trong rừng”.

Y Phối thứ 2 từ trái sang đã mất tích

Cũng theo A Phan thì những ngày tới, anh sẽ vay mượn để mua một con bò thịt làm lễ cúng Giàng, mong Giàng tha tội để các con anh trở về với gia đình. “Mình muốn làm lễ cúng tạ tội với Giàng, với thần rừng lắm nhưng nghèo quá, chưa thể có tiền mua bò” - A Phan nói trong nước mắt.

Mất con, đau xót nhưng những ngày qua, vợ chồng A Phan còn sợ hãi bởi suy nghĩ có lẽ nào vợ chồng anh đã bắt phải trăn thiêng nên bị trăn thần trừng phạt, bắt mất 2 đứa con tội nghiệp của mình. Suy nghĩ ấy nhiều lúc khiến vợ chồng anh hoảng loạn. “Xin Giàng, xin thần rừng cứ trừng phạt vợ chồng mình chứ đừng bắt 2 đứa trẻ mà tội nghiệp!” - anh A Phan khóc nức.

Người Xê Đăng tin vào sự tồn tại của Giàng. “Chúng mình cũng coi rừng là của Giàng, trong rừng còn có con ma rừng chuyên trông coi cỏ cây và muông thú. Có thể con trăn đó là vật thiêng của Giàng nên Giàng đã nặng tay với vợ chồng mình” - A Phan lý giải.

Không chỉ vợ chồng A Phan tin rằng các con anh đã bị Giàng trừng phạt nên mất tích mà nhiều người ở làng Đắc Lấp cũng nghĩ như vậy. Có mặt tại đây, chúng tôi đã nghe được nhiều lời đồn thổi huyễn hoặc xung quanh chuyện đau đớn này. Người thì bảo, 2 đứa trẻ nhà A Phan đã bị thần rừng dụ vào tít trong thung sâu, không cách nào kiếm tìm cho được. Người thì bảo, bởi A Phan bắt phải con của một con trăn tinh, nặng cả tạ. Khi mất con, con trăn tinh ấy đã đi tìm, gặp 2 đứa trẻ trên nên nó đã bắt để mạng đổi mạng… Những lời đồn thổi ấy khiến dân làng chết khiếp nên nhiều người từ hôm đó đã không dám vào rừng. Thậm chí, có người đêm không dám ra khỏi nhà vì sợ trăn tinh đêm về bắt phạt.

 

Ông Trương Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắc Psi, cho biết, chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm 2 cháu bé mất tích. Những ngày tới, chính quyền sẽ mở rộng diện tìm kiếm sang các khu rừng lân cận vì địa điểm 2 cháu mất tích là khu vực giáp ranh giữa ba huyện Đắc Hà, Tu Mơ Rông và Đắc Tô. Để động viên giúp đỡ gia đình anh A Phan tìm kiếm con mình, chính quyền xã đã hỗ trợ 2 triệu đồng và 50 kg gạo. Ông Thành cho biết thêm, chính quyền địa phương đã báo cáo lên cấp trên và phối hợp với các ban ngành đoàn thể tiếp tục tìm kiếm hai cháu bé, đồng thời hỗ trợ mì tôm, nước uống cho những người tham gia vào rừng tìm kiếm.

 

Tiêu đề Ngày
Doanh nghiệp được lợi gì khi thành lập website  17/05/2011
 
Trang: (61/61), Tổng số mục: 301