Ngoài thiết kế sản phẩm khá giống iPhone, HTC còn học một số chiến lược khác từ Apple để mong tạo đột phá trên smartphone One.
Không ít tờ báo gọi sản phẩm mới nhất của HTC là “HTC iPhOne” bởi xét trên nhiều góc độ, người ta thấy phảng phất bóng dáng của iPhone trong đó. Khác Samsung, HTC sở hữu một bản hợp đồng bản quyền có hiệu lực nhiều năm với Apple, cho phép hãng “mượn” một số điểm trong thiết kế hoặc tính năng trên iOS mà không sợ dính đến chuyện kiện tụng.
Tuy nhiên, HTC One không chỉ học theo iPhone ở một vài khía cạnh nhỏ mà là cả một chiến lược phát triển.
Tập trung vào trải nghiệm, thay vì chạy đua cấu hình
Cấu hình của HTC One vẫn thuộc dạng “đỉnh” nhất hiện nay, nhưng đó không phải là mục đích chính của hãng sản xuất Đài Loan. Lần đầu tiên trong khoảng hơn 2 năm qua, kích thước màn hình của một sản phẩm cao cấp HTC giữ nguyên so với “tiền bối” của nó. HTC One vẫn dùng màn hình 4,7 inch nhưng độ phân giải của nó đã được đẩy lên mức Full HD. Ở đây, HTC đã áp dụng đúng chiến lược của Apple khi tích hợp màn hình Retina trên iPhone 4 trong khi vẫn giữ nguyên kích thước 3,5 inch.
Bên cạnh màn hình chất lượng tuyệt đỉnh (mật độ điểm ảnh lên đến 468 ppi), model này còn được tích hợp 2 loa stereo công nghệ BoomSound, camera sau dùng cảm biến ultrapixel cho độ sáng gấp 3 lần các smartphone 8 megapixel hiện tại.
Có thể thấy, mục tiêu của HTC One chính là “đóng đinh” ở vị trí số 1 về mặt giải trí đa phương tiện, cũng là tiêu chí được nhiều người quan tâm nhất khi chọn mua một smartphone cao cấp.
Vấn đề nhận diện thương hiệu
“Kẻ bá đạo” Apple luôn được xếp số một trong chiến lược marketing sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Một trong những điểm mà hãng này đã làm rất tốt, đó là đặt ra những cái tên mới cho sản phẩm hay tính năng của chúng.
Hẳn những cụm từ như iPhone, iOS, iSight (camera), Siri (ứng dụng nhận diện giọng nói), Lightning (cáp kết nối) hay Retina (công nghệ hiển thị) đã trở nên quen thuộc với người dùng. Với HTC, họ cũng đang dần hoàn thiện những cụm từ nhận diện thương hiệu như vậy với One (trước đó đã từng có One X, One S hay One V), Sense (giao diện), ultrapixel (cảm biến camera), Zoe, BoomSound hay BlinkFeed.
Nội dung số quyết định tất cả
Một điểm nữa HTC đang cố tập trung vào, đó chính là nội dung số thông qua giao diện Sense mới. Tính năng này có tên BlinkFeed – một dạng cổng thông tin và mạng xã hội. BlinkFeed là một giao diện Tile giống như ứng dụng đọc tin Flipboard được thiết lập nằm cố định ở trang chính. BlinkFeed là nơi sẽ giúp tổng hợp nội dung từ các nguồn mạng xã hội khác nhau cũng như nội dung từ ứng dụng lịch và các TV show từ ứng dụng TV app của người dùng.
Không chỉ tự mình tạo ra nội dung, hãng này còn phối hợp với các bên thứ 3 để làm mạnh cổng thông tin nói trên. Cụ thể, HTC đã hợp tác với trên 1.400 đối tác khác nhau, trong đó đối tác lớn nhất chính là ESPN, một kênh giải trí cực mạnh dành cho các tín đồ bóng đá.
HTC One còn thiếu gì
Để chỉ ra một điểm còn thiếu trong chiến lược tổng thể khi ra mắt One của HTC thì đó chính là khả năng hạn chế các thông tin rò rỉ. Toàn bộ các thông tin về cấu hình, thiết kế sản phẩm của One đều đã được tung ra trước thời điểm sản phẩm này ra mắt. Do đó, hiệu ứng bất ngờ đã không còn.
Thêm nữa, hãng này cũng cần biết cách giữ cho sản phẩm luôn hot, hơn là chỉ bùng nổ trong khoảng 1-2 tháng trước và sau khi ra mắt. |