*Steve jobs đã từng hối tiếc khi ăn chay.
Cuốn tiểu sử “Steve Jobs” của tác giả Walter Issacson – cựu chủ biên của tạp chí Time sẽ được xuất bản. Hãng tin AP đã có trong tay bản sao của cuốn tiểu sử này và công bố một số chi tiết chính ngay trước khi cuốn sách chính thức lên kệ vào ngày 24/11 sắp tới.
Cuốn sách rõ ràng được thiết kế theo phong cách của Apple. Bìa sách với tên sách và tên tác giả in nổi bật với phông chữ đen và xám đối nghịch với nền trắng, cùng tấm ảnh chân dung đen trắng nổi tiếng của Jobs.
Jobs tham gia khoảng hơn 36 cuộc phỏng vấn trong cuốn tiểu sử, và làm sáng rõ suy nghĩ của người đàn ông nổi tiếng sống bí mật, vén màn chi tiết chi tiết cuộc sống của ông khi tạo ra sản phẩm của Apple
Mặc dù khối ung thư tuyến tụy của Steve Jobs phát triển chậm và có thể chữa được nhưng ông đã quyết định từ chối phẫu thuật và tìm tới giải pháp ăn chay. Dù sau đó ông cảm thấy hối tiếc nhưng quá muộn.
*Trì hoãn phẫu thuật, tìm tới ăn chay
Jobs mất ngày 5/10 ở tuổi 56 sau thời gian chiến đấu với bệnh ung thư.
Cuốn sách đi sâu vào quyết định trì hoãn phẫu thuật của Steve Jobs 9 tháng sau khi phát hiện khối u thần kinh nội tiết hồi tháng 10/2003 – là trường hợp tương đối hiếm gặp trong các ca ung thư tuyến tụy thông thường, phát triển chậm hơn và có thể điều trị được. Thay vào đó, Jobs tìm tới ăn chay, châm cứu, thảo dược và các liệu pháp điều trị khác tìm kiếm được trên internet, thậm chí là tham khảo các nhà ngoại cảm. Ông cũng chịu ảnh hưởng từ bác sĩ khuyên ăn chay, uống nước trái cây, và nhiều phương pháp chưa được chứng minh khác, trước khi phẫu thuật vào tháng 7/2004.
Issacson trích lời Jobs và viết trong cuốn tiểu sử: “Tôi thực sự không muốn mọi người mổ phanh cơ thể mình, vì thế tôi muốn thử nếu cách khác hiệu quả”, ông ấy (Jobs) nói với tôi năm sau đó với một chút hối tiếc”.
* “Android là sản phẩm ăn cắp”
Cuốn sách cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối quan hệ giữa Jobs và Eric Schmidt – cựu Tổng giám đốc của Google và thành viên Hội đồng quản trị Apple từ 2006 – 2009. Schmidt rời khỏi Apple khi Google và Apple chuyển sang đối đầu trên lĩnh vực smartphone, Apple cùng iPhone và Google với phần mềm Android.
Isaacson viết hồi tháng 1/2010, Jobs “giận tím mặt” khi HTC giới thiệu điện thoại Android với nhiều tính năng phổ biến của iPhone. Apple đã kiện, và Jobs nói với Isaacson hành động của Google là “hành vi ăn trộm nghiêm trọng”.
Jobs nói: “Tôi sẽ dành hơi thở cuối cùng nếu cần thiết, và tôi sẽ dùng tới từng xu trong số tiền 40 tỉ USD của Apple để chỉnh đốn lại điều sai trái này. Tôi sẽ tàn phá Android, bởi đó là sản phẩm ăn cắp. Tôi sẵn sàng mở ra chiến tranh hạt nhân vì điều này”.
Jobs thường xuyên chỉ trích Android và Google Docs – chương trình xử lí văn bản trên internet. Trong cuộc gặp mặt sau đó với Schmidt tại quán café ở California (Mỹ), Jobs cho Schmidt biết ông không hứng thú với việc giải quyết các vụ kiện: “Tôi không muốn tiền của ông. Nếu ông đưa tôi 5 tỉ USD, tôi cũng không muốn. Tôi đã có nhiều tiền. Tất cả những gì tôi muốn là ông ngừng sử dụng sáng kiến của chúng tôi trong Android.” Theo Isaacson, cuộc gặp này không giải quyết được gì.
*Ban lãnh đạo rách nát và “đối tác tinh thần”
Jobs gọi những lãnh đạo điều hành Apple sau khi ông bị sa thải khỏi công ty năm 1985 là “những người đồi bại” với “giá trị mục ruỗng” – chỉ quan tâm tới việc làm ra tiền. Bản thân Jobs được mô tả như một người coi trọng sản phẩm hơn là lợi nhuận.
Jobs quay lại công ty năm 1997. Sau đó, ông giới thiệu máy tính iMac, iPod, iPhone, iPad, và đưa Apple trở thành công ty lớn nhất châu Mỹ theo giá trị thị trường.
Trong khi vài thành viên Hội đồng quản trị vui vẻ vì HP từ bỏ cạnh tranh với máy tính bảng Apple iPad, Job không nghĩ đó là việc đáng ăn mừng. Jobs trao đổi với Isaacson: “HP đã dựng nên một công ty tuyệt vời, và họ nghĩ mọi thứ trong tay đều tốt đẹp. Nhưng hiện tại, HP đã bị chia cắt và phá hủy. Tôi hi vọng có thể để lại di sản mạnh mẽ hơn để điều này không bao giờ xảy ra với Apple.”
Trong khi đó, Jonathan Ive, Giám đốc thiết kế của Apple lại được Jobs xem là “đối tác tinh thần” tại Apple. Ive có “sức mạnh tư duy” mạnh hơn bất cứ ai tại Apple.
*Các chi tiết khác
Cuốn tiểu sử ban đầu có tên “iSteve” và lên lịch trình ra mắt tháng 3. Sau đó ngày ra mắt chuyển sang tháng 11, và tiếp tục dời lại vào ngày 24/10. Cuốn sách được Simon & Schuster xuất bản và có giá bán 35 USD (hơn 700.000 đồng).
Theo cuốn sách, Jobs từ bỏ Thiên Chúa giáo năm 13 tuổi sau khi chứng kiến trẻ em chết đói trên bìa tạp chí Life. Ông đã hỏi mục sư của trường Chúa có biết điều gì xảy ra với những trẻ em này hay không. Jobs sau đó không bao giờ quay lại nhà thờ, và nghiên cứu Phật giáo sau này.
Jobs nói ông từng thử nhiều chế độ ăn kiêng, chỉ gồm rau và hoa quả. Ông đặt tên công ty Apple (quả táo) theo tên “một trong những hoa quả ăn kiêng”, và nghĩ cái tên này “vui vẻ, phấn khởi, và không gây sợ hãi”. Quan điểm thiết kế rõ ràng, sạch sẽ của Jobs được phát triển từ sớm. Ông bị ấn tượng bởi bộ vi xử lí thực phẩm Cuisinart trong khi duyệt web tại cửa hàng bách hóa và quyết định muốn có tấm vỏ sản phẩm làm từ nhựa đúc.
Jobs tiết lộ Beatles là một trong các nhóm nhạc yêu thích nhất, và một trong những điều ước của Jobs là có nhóm nhạc trên iTunes, kho nhạc trực tuyến của Apple trước khi ông mất. Nhạc của Beatles được bán trên iTunes vào cuối năm 2010.
|